Nhà tạm lánh cộng đồng - Mô hình điểm địa chỉ tin cậy

Thứ hai 29/10/2018 22:27:54 Địa phương

Mô hình địa chỉ tin cậy, nhà tạm lánh cộng đồng đầu tiên của tỉnh được Sở Lao động, Thương binh và Xã hội triển khai từ tháng 6-2018 tại xã Phúc Thịnh (Chiêm Hóa). Mô hình thành lập sẽ cung cấp dịch vụ hỗ trợ khẩn cấp cho nạn nhân bị bạo lực trên cơ sở giới. Đồng thời, thu hút sự tham gia của người dân địa phương thông qua phòng ngừa và ứng phó với nạn bạo lực gia đình. 


Nhà tạm lánh cộng đồng tại UBND xã Phúc Thịnh (Chiêm Hóa).

Để mô hình đi vào hoạt động, UBND xã đã thành lập Ban quản lý “Mô hình địa chỉ tin cậy, nhà tạm lánh tại cộng đồng” do đồng chí Phó Chủ tịch UBND xã làm Trưởng ban. Các thành viên trong Ban quản lý thuộc các lĩnh vực y tế, công an xã, hội phụ nữ, đảm bảo điều kiện tốt nhất cho nạn nhân khi cần được hỗ trợ. Ông Hoàng Văn Hoạt, Phó Ban quản lý cho biết, nhà tạm lánh được lựa chọn là nhà ghép liền kề phía sau nhà làm việc tầng hai của trụ sở UBND xã được trang bị đầy đủ các trang thiết bị cần thiết cho sinh hoạt như: Giường, ti vi, bếp ga, tủ y tế, quần áo, đồ vệ sinh cá nhân… với tổng kinh phí hơn 30 triệu đồng.

Ngoài ra, Ban quản lý còn thành lập đường dây nóng: 0207.3851.701 và 0985.731.062 đảm bảo việc liên lạc của người dân với cán bộ trực đường dây nóng vào mọi thời điểm. Sau khi nhận được thông tin, nạn nhân sẽ được đưa đến địa chỉ tạm lánh, được chăm sóc y tế ban đầu nếu có thương tích, đồng thời tư vấn ổn định tâm lý cho nạn nhân khi cần thiết, tư vấn pháp luật đảm bảo quyền lợi hợp pháp của nạn nhân và có biện pháp can thiệp đối với đối tượng gây bạo lực. Bên cạnh việc hỗ trợ nạn nhân bị bạo lực, tại địa chỉ nhà tạm lánh phải đảm bảo tuyệt đối giữ bí mật về thân nhân của người phát hiện, báo tin về trường hợp bạo lực xảy ra.  

Ngoài việc hỗ trợ nạn nhân khi có dấu hiệu của bạo lực gia đình, Ban quản lý có nhiệm vụ thường xuyên thực hiện công tác tuyên truyền các kiến thức cũng như kỹ năng về phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới cho người dân trên địa bàn. Chị Nông Thị Thu Hằng, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã, thành viên Ban quản lý nói, để nâng cao kiến thức cũng như kỹ năng về phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới cho người dân trên địa bàn, xã đã thành lập Câu lạc bộ gia đình hạnh phúc. Đến nay, 11/11 thôn có câu lạc bộ với sự tham gia của gần 900 thành viên. Các thành viên thường xuyên được sinh hoạt, trao đổi các kiến thức cần thiết để xây dựng gia đình hạnh phúc, bình đẳng, cùng tiến bộ. Vì vậy, thời gian qua xã đã làm tốt công tác phòng chống bạo lực gia đình, không có vụ việc bạo lực gia đình xảy ra.

Thực hiện mô hình địa chỉ tin cậy, nhà tạm lánh cộng đồng là việc làm thiết yếu nhằm giúp đỡ những nạn nhân của bạo lực gia đình. Bên cạnh đó, chính quyền địa phương cũng như các thành viên trong Câu lạc bộ gia đình hạnh phúc của xã tiếp tục tăng cường tuyên truyền, vận động để hạn chế đến mức thấp nhất những trường hợp bạo lực gia đình có thể xảy ra.              

Bài, ảnh: Thu Trang

Theo baotuyenquang.com.vn

Quay lại
BÀI VIẾT CÙNG CHUYÊN MỤC
Bài mới đăng
Bài ngẫu nhiên