Đấu tranh với tội phạm liên quan đến tín dụng “đen”

Thứ bảy 11/05/2019 13:37:29 Địa phương

Theo Trung tá Nguyễn Văn Mậu, Trưởng Phòng Cảnh sát hình sự, Công an tỉnh: Tín dụng “đen” là hình thức huy động vốn thuận tiện, diễn ra ngầm, thủ tục gọn nhẹ nhưng với lãi suất huy động cao. Hoạt động trên chỉ bị phát giác khi xảy ra tình trạng vỡ nợ. Hình thức thu hồi nợ dễ bị biến tướng gây ra những hành vi vi phạm pháp luật như: Cố ý gây thương tích, cưỡng đoạt tài sản, bắt giữ người trái pháp luật... gây mất trật tự an toàn xã hội. 


Lực lượng Công an tỉnh và Công an thành phố Tuyên Quang kiểm tra cơ sở cầm đồ Lê Ngọc Chỉnh,
ở tổ 15, phường Tân Quang.

Ở tỉnh ta, mặc dù đã xảy ra một số vụ việc vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động tín dụng “đen” nhưng vẫn chưa đến mức nổi cộm, gây mất trật tự an toàn xã hội. Tuy nhiên, hoạt động tín dụng “đen” vẫn đang tiềm ẩn nhiều nguy cơ nếu không làm tốt công tác phòng ngừa. Cùng với đó, hình phạt đối với tội phạm này chỉ dừng lại ở mức độ ít nghiêm trọng, mức phạt tối đa 3 năm tù nên chưa đủ tính răn đe, ngăn ngừa tội phạm, nên hoạt động tín dụng “đen” vẫn tồn tại và dễ phát triển mạnh. Điều đáng nói, đa số người đi vay (bị hại) liên quan tín dụng “đen” là người chơi lô đề, cờ bạc, thanh niên không có việc làm... Họ bất chấp hậu quả khi vay tiền với lãi suất cao, gây mất trật tự an toàn xã hội. 

Qua rà soát của lực lượng Công an, trên địa bàn tỉnh hiện có 221 cơ sở với 110 đối tượng kinh doanh cầm đồ, hỗ trợ tài chính, cho thuê xe... dễ phát sinh hoạt động liên quan đến tín dụng “đen”. Thời gian qua, công an đã điều tra làm rõ một số vụ liên quan đến hoạt động tín dụng “đen”. Tháng 8-2018, Công an thành phố Tuyên Quang đã bắt giữ và khởi tố Lê Xuân Quyết, phường Ỷ La và Hoàng Mạnh Cường, phường Phan Thiết về hành vi bắt, giữ người trái pháp luật từ hoạt động đòi nợ. Trong tháng 12-2018, Phòng Cảnh sát hình sự triệt phá thành công 2 chuyên án cưỡng đoạt tài sản, bắt giữ và khởi tố 11 đối tượng có liên quan đến hành vi đòi nợ thuê, siết nợ.

Với mục tiêu ngăn chặn, hạn chế tới mức thấp nhất các vụ việc phát sinh tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động tín dụng “đen”, lực lượng Công an tỉnh đã và đang triển khai đồng bộ các giải pháp. Trong đó, tập trung kiểm tra việc chấp hành pháp luật của chủ các cơ sở cầm đồ, kinh doanh tài chính... xử lý nghiêm các cơ sở vi phạm. Đồng thời, tổ chức bóc gỡ hàng nghìn tờ quảng cáo liên quan đến hoạt động cầm đồ, hỗ trợ tài chính, cho vay, cho thuê xe. Công an tỉnh cũng khuyến cáo người dân hãy tỉnh táo, tìm hiểu rõ bản chất, hậu quả và không nên tham gia hoạt động tín dụng “đen”.

Ngày 25-4-2019, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 12/CT-TTg về tăng cường phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động tín dụng “đen”. Theo đó, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tiếp tục tổ chức thực hiện các kết luận, chỉ thị của Trung ương về công tác đảm bảo an ninh, trật tự trong tình hình mới, phòng chống tội phạm, trong đó có vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động tín dụng “đen”, bảo vệ quyền, lợi ích và tài sản của người dân trong các hoạt động tín dụng, vay mượn chính đáng, hợp pháp. 

Bài, ảnh: Công Vượng

Theo baotuyenquang.com.vn

Quay lại
BÀI VIẾT CÙNG CHUYÊN MỤC
Bài mới đăng
Bài ngẫu nhiên