Nhường đường cho người đi bộ: Một nét đẹp văn hóa

Thứ sáu 12/07/2019 21:08:38 Địa phương

Điều 5, Nghị định 46/2016/NĐ-CP của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt quy định, người điều khiển, người được chở trên xe ô tô và các loại xe tương tự xe ô tô vi phạm lỗi không nhường đường cho người đi bộ sẽ bị phạt từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng. Bên cạnh đó, nếu gây tai nạn còn bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 2 tháng đến 4 tháng. 


Người dân chấp hành hiệu lệnh đèn tín hiệu giao thông tại khu vực ngã tám,
 phường Tân Quang (TP Tuyên Quang).

Quy định này đã được người tham gia giao thông trên địa bàn tỉnh, nhất là ở thành phố Tuyên Quang thực hiện khá tốt. Mới đây, tại ngã tám, đường Bình Thuận, người tham gia giao thông bắt gặp hình ảnh đẹp khi một thanh niên dừng xe ô tô khi vẫn có tín hiệu đèn xanh để nhường đường cho hai bà cháu đi sang đường. Đó là anh Nguyễn Văn Tình ở xã Lang Quán (Yên Sơn).

Anh Tình cho biết, anh làm dịch vụ vận chuyển hàng hóa, thường xuyên về thành phố giao nhận hàng. Mỗi lần có người đi bộ sang đường, nhất là người già, trẻ nhỏ, dẫu lúc đó đèn giao thông phát tín hiệu được đi nhưng anh vẫn dừng lại để người đi bộ sang đường anh mới tiếp tục cho xe lăn bánh. Làm nghề lái xe, anh từng chứng kiến nhiều vụ tai nạn khi người điều khiển phương tiện không chấp hành quy định nhường đường cho người đi bộ. Cuối năm ngoái, anh đi Hà Nội, một người lái xe ô tô đi rất nhanh đúng lúc có người đi bộ sang đường, thế là gây tai nạn thương tâm.

Còn không ít vụ tai nạn tương tự như trên bắt nguồn từ ý thức của người điều khiển phương tiện. Do đó, mỗi người cần phải thực hiện nghiêm quy định của luật pháp, coi việc nhường đường cho người đi bộ là một nét đẹp văn hóa giao thông, góp phần hạn chế tai nạn, giảm gánh nặng cho gia đình và xã hội. Trung tá Nguyễn Huy Cường, Phó Đội trưởng Đội tuyên truyền, điều tra tai nạn và xử lý vi phạm, Phòng Cảnh sát giao thông, Công an tỉnh  cho biết, đơn vị và Công an các huyện, thành phố phối hợp với các cơ sở đoàn, trường học đã tổ chức các buổi tuyên truyền, hướng dẫn thực hành Luật Giao thông đường bộ đến đông đảo đoàn viên, học sinh, do đó ý thức chấp hành luật pháp khi tham gia giao thông đã được nâng lên rõ nét.

Nhiều đoàn viên, thanh niên tự nguyện tham gia cùng lực lượng công an phân luồng giao thông; hướng dẫn người tham gia giao thông đi đúng phần đường quy định, trong đó có việc thực hiện nhường đường cho người đi bộ. Tại các tuyến phố chính, ngã tư, ngã tám cơ bản là người lái xe ô tô, xe máy chủ động nhường đường khi có người đi bộ sang đường nên thời gian qua không có vụ tai nạn nào xảy ra do mắc lỗi quy định này.

Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn một số trường hợp tham gia giao thông vẫn chưa thực hiện các quy định của pháp luật một cách nghiêm túc như lấn làn, lấn tuyến, không ưu tiên dành phần đường cho người đi bộ dẫn đến hệ lụy khó lường. Nguyên nhân là do mức phạt được quy định tại Nghị định 46  còn thấp, chưa đủ răn đe. Do đó, theo Ủy Ban An toàn giao thông quốc gia, trong thời gian tới cần phải sửa đổi, bổ sung Nghị định này theo hướng tăng nặng để đủ sức răn đe đối với các hành vi vi phạm.

 Bài, ảnh: Thùy Linh

Theo baotuyenquang.com.vn

Quay lại
BÀI VIẾT CÙNG CHUYÊN MỤC
Bài mới đăng
Bài ngẫu nhiên