Xây dựng văn hóa giao thông học đường

Thứ sáu 17/11/2017 10:58:00 An toàn giao thông
TQĐT - Mặc dù quy định về mô tô, xe máy điện khi tham gia giao thông, người ngồi trên xe phải đội mũ bảo hiểm, chấp hành đèn tín hiệu chỉ dẫn giao thông… nhưng nhiều học sinh vẫn vi phạm.

Học sinh dàn hàng 4 khi tham gia giao thông. (Ảnh chụp tại đường Bình Thuận, thành phố Tuyên Quang).

Trên các ngả đường của thành phố Tuyên Quang, rất dễ thấy hình ảnh các bạn trẻ là học sinh, sinh viên đi xe đạp điện không đội mũ bảo hiểm, lao vun vút trên đường. Tại các tuyến đường Bình Thuận, đại lộ Tân Trào, đường Quang Trung (TP Tuyên Quang) dù biết có lực lượng cảnh sát giao thông làm việc thường xuyên nhưng vào những giờ cao điểm và lúc tan học vẫn còn nhiều đối tượng thanh niên, học sinh đầu trần, dàn hàng ngang đi hàng 4, hàng 5, thậm chí vượt đèn đỏ khi tham gia giao thông bằng xe máy điện.

Khi được hỏi các em có biết quy định bắt buộc phải đội mũ bảo hiểm đối với người đi xe đạp điện, xe máy điện, nhiều nhóm học sinh đều đồng thanh đáp “có” và hỏi tại sao có biết mà các em không chấp hành, thì lại không có học sinh nào trả lời, chỉ cười rồi phóng vụt xe đi. Qua tìm hiểu được biết, lý do một số em không đội mũ bảo hiểm là vì các bạn nữ thì sợ hỏng kiểu tóc, các bạn nam thích bỏ mũ đi đường cho thoáng nên đến gần cổng trường học mới đội...

Theo đánh giá của các cơ quan chức năng, có khoảng 20% số vụ va chạm, vi phạm Luật Giao thông đường bộ trên địa bàn thành phố là do đối tượng thanh, thiếu niên độ tuổi từ 12 - 18 tuổi gây ra. Trao đổi vấn đề này, Phó Bí thư Đoàn trường THPT Tân Trào Đoàn Thị Thùy Dung cho biết, để nâng cao ý thức cho các em học sinh khi tham gia giao thông, ngay từ đầu năm học trường đã phối hợp với Đội cảnh sát giao thông, Công an thành phố Tuyên Quang tuyên truyền về Luật Giao thông đường bộ cho các em học sinh trong toàn trường, cho các em học sinh ký cam kết với nhà trường trong việc thực hiện nghiêm túc Luật Giao thông đường bộ khi tham gia giao thông.

Đối với học sinh vi phạm Luật Giao thông đường bộ, nhà trường sẽ trừ điểm thi đua của lớp và hạ hạnh kiểm của riêng cá nhân học sinh đó. Nhà trường cũng kiên quyết không ký xác nhận cho những học sinh bị lực lượng cảnh sát giao thông tạm giữ xe để học sinh và gia đình có trách nhiệm trong việc nhắc nhở, quản lý con em mình.

Theo Thiếu tá Đỗ Tuấn Minh, Phó Đội trưởng Đội Cảnh sát giao thông, Công an thành phố Tuyên Quang, hàng tháng đội thành lập tổ công tác tuần tra, kiểm soát trên các tuyến đường chính của thành phố, nhất là vào những giờ trưa hoặc chiều muộn, trong đó có tập trung xử lý những xe mô tô, xe máy điện vi phạm Luật Giao thông đường bộ. Trung bình mỗi tháng, đội phát hiện và xử lý khoảng 200 - 250 trường hợp vi phạm, trong đó chủ yếu là người điều kiển xe máy điện vi phạm lỗi không đội mũ bảo hiểm.

Bên cạnh sự vào cuộc của các ngành chức năng, cần có sự phối hợp tích cực hơn nữa giữa các cấp chính quyền, nhà trường và gia đình trong việc giáo dục, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật giao thông của học sinh, sinh viên, giúp các em có văn hóa giao thông, xây dựng hình ảnh đẹp trong các bạn trẻ khi tham gia giao thông.

Bài, ảnh: Hải Hương

Theo baotuyenquang.com.vn

Quay lại
BÀI VIẾT CÙNG CHUYÊN MỤC
Bài mới đăng
Bài ngẫu nhiên